Kỹ năng cần có cho du học sinh Australia

Thứ Tư, 18/05/2022
Đăng bởi CÔNG TY TNHH SG EDUCATION VIỆT NAM

Theo Jenna Nguyễn - trợ lý văn phòng Phó hiệu trưởng, Đại học Western Sydney, du học sinh nên trau dồi kỹ năng mềm, mở rộng mạng lưới quan hệ và trích nguồn kỹ lưỡng khi làm bài luận.

 

"Tôi cũng thấy các bạn khá là e dè, ít khi hòa nhập với người bản xứ. Có thể các bạn sợ phán xét hoặc ngoại ngữ chưa tốt nên không tự tin", Jenna Nguyễn chia sẻ tại tập ba tọa đàm Shine with Australia - Tỏa sáng cùng Australia với chủ đề "Bẫy vô hình"du học sinh Australia cần lưu ý". Từ kinh nghiệm bản thân các diễn giả đều là những cựu du học sinh tại Australia đưa ra những tình huống gặp phải khi mới gia nhập môi trường học mới, đồng thời gợi ý những giải pháp giúp bạn trẻ có kế hoạch du học lưu tâm.

Jenna Nguyễn (thứ hai, từ trái sang) trong sự kiện của câu lạc bộ sinh viên quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Helena Nguyễn - kiểm toán FSO tại Ernst & Young Vietnam, cựu sinh viên Đại học Queensland cho rằng, tích lũy, cải thiện kỹ năng mềm là một trong những lưu ý quan trọng cho sinh viên trong thời gian du học. Thiếu những kỹ năng này, các bạn có thể gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc học và việc làm sau khi ra trường.

 

Theo Helena Nguyễn, nhà tuyển dụng sẽ muốn ứng viên giỏi cả chuyên môn và giao tiếp tốt, biết diễn đạt suy nghĩ của mình, có thể làm việc nhóm, thuyết trình,... Các kỹ năng này không quá khó, mỗi người có thể trau dồi khi còn là sinh viên.

 

Cách nâng cao kỹ năng mềm không quá phức tạp. Sinh viên có thể tham gia các câu lạc bộ, tham gia các sự kiện tạo dựng mạng lưới quan hệ, tình nguyện hay chủ động kết bạn với người bản xứ hoặc bạn bè quốc tế. Australia có rất nhiều hội nhóm về văn hóa, thể thao; sự kiện liên quan đến học thuật, kết nối việc làm... trong và ngoài trường. Do đó, người trẻ có thể giao lưu, đồng thời, phát triển kỹ năng.

 

"Những hoạt động này là lúc bạn có thể gặp những người mới, biết đâu đó là cơ hội công việc sau này. Hãy phóng tầm nhìn ra xa hơn, thay vì chỉ chăm chú vào việc học", cựu du học sinh Australia nhấn mạnh.

Helena Nguyễn (áo trắng) trong sự kiện tạo lập mạng lưới quan hệ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài ra, khi đi làm thêm để tăng trải nghiệm, kỹ năng, du học sinh cần lưu ý rèn tính quan sát và chủ động khám phá, tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Việc này có thể giúp các bạn dễ dàng hòa nhập với môi trường làm việc, đồng thời, học được nhiều kiến thức thực tiễn hơn.

 

Từ trải nghiệm thực tiễn, Jenna ví dụ, khi làm thực tập sinh tại một công ty truyền thông lớn thứ ba thế giới, cô từng choáng ngợp vì ai cũng mặc vest, rất nghiêm túc. Tuy nhiên, khi quan sát, cô nhận thấy bộ phận Digital Marketing - nơi cô làm có phần thoải mái hơn trong vấn đề ăn mặc. Từ đó, cô nhận ra quan sát là kỹ năng vô cùng quan trọng. Từ đó, nữ du học sinh sinh năm 1995 biết trang phục thế nào là phù hợp, công việc cụ thể của mình ra sao, hành vi ứng xử thế nào là đúng đắn.

 

Với chuyện học, các diễn giả khuyên sinh viên Việt Nam khi du học Australia nên lưu ý đến vấn đề trích nguồn. Việc này cũng có thể coi là một "bẫy vô hình" với sinh viên Việt Nam. Nếu không tìm hiểu kỹ, vô tình dẫn thiếu, người học có thể bị coi là đạo văn, lấy cắp ý tưởng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập của du học sinh.

 

Đây cũng là bài học lớn của Jenna Nguyễn khi gặp khó trong việc viết luận một thời gian dài. Từng học tại Việt Nam, nữ sinh sinh năm 1995 nhận định quy trình này tại các trường trong nước không quá gắt gao. Trong khi đó, các trường đại học tại Australia yêu cầu rất chặt chẽ về nguồn tư liệu sử dụng trong bài. Vì vậy, khi viết, sinh viên cần trích dẫn kỹ càng, lập danh sách chi tiết.

 

Australia có cách dẫn và lập danh sách nguồn sau bài tập riêng. Mỗi trường cũng áp dụng một cách khác biệt nên khá dễ gặp phải tình trạng rối. Jenna Nguyễn kể lại, khi viết bài, nhiều thầy cô chấm danh sách nguồn rất kỹ nên trong thời gian đầu mới học tại Australia, điểm của cô không cao như kỳ vọng.

 

Helena Nguyễn cũng từng chứng kiến một người bạn bị gọi đến văn phòng để làm kiểm điểm vì sao chép lại bài viết của chính mình trước đó. Do đề bài giống nhau, người đã tái sử dụng một đoạn và nghĩ đó là của mình, không cần phải dẫn nguồn. Tuy nhiên, giảng viên đã giải thích, tại Australia, dù là của chính mình, việc sao chép không ghi tên tư liệu, tác giả... vẫn bị coi là đạo văn.

 

Tuy nhiên, sinh viên Việt Nam cũng không nên quá lo lắng bởi các trường, trong đó có Đại học Western Sydney, có bộ phận hỗ trợ sinh viên quốc tế. Du học sinh có thể hỏi giáo sư hay bạn bè để cải thiện việc học. "Dẫn nguồn cũng là vấn đề sinh viên bản xứ gặp nhiều khó khăn nên các bạn đừng nghĩ mình thua kém", Jenna nhấn mạnh.

 

Host Lê Nguyễn Trà My - Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại bang Victoria, sinh viên Đại học Monash cũng khẳng định, các trường đại học ở Australia hỗ trợ sinh viên khá tốt. Nếu không biết cách trích nguồn, sinh viên có thể tra trên website của trường hoặc tham gia các buổi tư vấn, workshop của bộ phận trợ giúp du học sinh.

Host Lê Nguyễn Trà My - Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại bang Victoria, sinh viên Đại học Monash. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bên cạnh đó, giảm thiểu những rủi ro khi làm bài, Helena Nguyễn gợi ý du học sinh nên sử dụng website Citethisforme.com. Người học chỉ cần dán đường link của tư liệu vào web và hệ thống sẽ tự động tạo nguồn theo đúng tiêu chuẩn mong muốn. Việc của sinh viên là lựa chọn mẫu phù hợp với yêu cầu của giảng viên.

 

"Việc đạo văn ở Australia rất nghiêm trọng và bạn hoàn toàn có thể bị để lại vết đen trong hồ sơ của mình trong chính phủ nếu như bạn vô tình đạo văn của ai đó hay chính mình", cựu du học sinh sinh năm 1999 nhấn mạnh.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: