NGƯỜI ANH CÓ THỰC SỰ LẠNH LÙNG VỚI NGƯỜI VIỆT KHÔNG?

Thứ Sáu, 29/07/2022
Đăng bởi Nguyễn Thị Phương Hảo

Nguồn: Viethome

Ngày biết tôi sắp sang Anh du học, dì tôi bên Mỹ gọi về hỏi: “Sao con không qua Mỹ mà lại đi Anh? Ở đó người ta kỳ thị, lạnh lùng lắm, không dễ chịu với người Việt và người châu Á đâu!”. Bạn bè cũng hay khuyên tôi rằng, đến Anh phải chuẩn bị tâm lý, không dễ sống đâu.

Nhiều người căn dặn quá, tôi bắt đầu hoang mang về cuộc sống sắp tới ở vương quốc nghìn năm văn hiến này, mặc dù tôi không quá xa lạ với văn hóa và cuộc sống của người phương Tây sau thời gian được học ở Thụy Điển, New Zealand và Australia.

Những gì biết được về nước Anh thông qua các tác phẩm văn học, các bài tiếng Anh thời phổ thông, các bài viết trên mạng chưa đủ làm tôi yên tâm, tôi đã đến British Council đọc sách về nước Anh và tham khảo cả ý kiến của người bạn vừa học ở Anh về, để có tâm lý chuẩn bị sẵn sàng.

Nước Anh đón tôi ở sân bay Gatwick bằng các bảng chỉ dẫn dày đặc và một thủ tục check-in đơn giản hơn tôi tưởng rất nhiều. Đến khi ra khỏi sân bay rồi, tôi còn ngỡ ngàng: “Sao người ta không kiểm vali mình nhỉ?”

Ngày qua ngày, tôi quen dần với những cơn mưa phùn mùa đông không ngớt hạt ở thành phố cảng xinh đẹp Southampton, quen với những hàng cây trụi lá đứng buồn hiu dưới bầu trời xám xịt đúng kiểu xứ sở sương mù, quen với những chiếc xe bus chạy trên những con đường nhỏ hẹp chỉ đủ cho một chiếc, quen với những dãy nhà bằng gạch đỏ giống hệt nhau nằm im lìm lặng lẽ như vắng chủ, quen với thành phố giữa rừng cây nơi mà đâu đâu cũng thấy cây nhiều hơn người…

Tôi cũng bắt đầu để ý xem người Anh “lạnh lùng” với tôi và với nhiều người châu Á thế nào. Một lần, khi thấy tôi khệ nệ xách đồ mà mặt mũi ngơ ngác nhìn quanh, một người phụ nữ Anh trạc 55- 60 tuổi hỏi tôi: “Có cần bà giúp gì không?” Tôi cảm ơn và hỏi bà đường về nhà, bà chỉ tôi cặn kẽ, dẫn tôi đến ngả rẽ cần thiết và còn hỏi tôi: “Mặc như thế có đủ ấm không?”.

Một lần khác, khi vào quán ăn, tôi vô tình không biết quán này chỉ nhận tiền mặt, sau khi ăn xong, bối rối nhận ra mình chẳng có tiền để trả, tôi vội vàng đề nghị để lại chiếc điện thoại của mình để đi tìm máy ATM rút tiền, người đàn ông chủ quán (sau này trò chuyện mới biết là người ở Winchester chuyển về đây) nói rằng tôi cứ đi đi, khi nào tiện đường thì ghé lại trả tiền, nhìn tôi như vậy không lẽ có mấy GBP tôi lại trốn luôn. Tôi nghe mà ngại ghê!

Điều tôi đặc biệt ấn tượng là cách mà người Anh ứng xử với sinh viên quốc tế như tôi. Tôi có tham gia vào Friends International, một câu lạc bộ chuyên tổ chức các hoạt động giúp sinh viên nước ngoài dễ tiếp cận, làm quen, hòa nhập với cuộc sống ở Anh. Họ tổ chức Open House mỗi 2 tuần ở nhiều nhà người Anh khác nhau trao đổi về các chủ đề như giao thông, pháp luật, văn hóa, bầu cử, phim ảnh… mà không cần đặt chỗ trước, cũng chẳng phải đóng góp bất cứ khoản gì.

Khi đến đó, chúng tôi được chủ nhà tự tay làm sẵn thức ăn mặn, bánh nướng, trái cây… đãi miễn phí, nếu dư còn được mang về. Lần đầu, khi tan tiệc, mọi người lần lượt ra về, tôi vào bếp rửa chén giúp bà chủ vốn là một chủ doanh nghiệp lớn. Tôi nói ở quê tôi, khách thường rửa chén giúp chủ nhà, bà ngạc nhiên lắm, bảo ở đây tôi chỉ cần cảm ơn và ra về thôi. Tôi thầm nghĩ: “Nếu mình có nhà to đẹp thế này, nếu mình có vị trí xã hội tốt như vầy, mình có tự tay làm thức ăn, mời 20-30 sinh viên đến ăn mỗi 2 tuần miễn phí và tự rửa chén như vậy không?”

Thỉnh thoảng, câu lạc bộ còn dẫn chúng tôi đi tham quan nhiều nơi, không thu phí, trừ các khoản vé phà, xe, phí vào cổng những nơi mình đến thôi. Khi được biết tôi rất lo lắng vì sắp bảo vệ đề tài, hai vợ chồng người Anh khác còn hỏi tôi ngày giờ cụ thể để họ cầu nguyện cho tôi và gửi đến nhà, tặng tôi một cuốn sách về lĩnh vực nghiên cứu của tôi.

Khi nói về chuyện này với người bạn Malaysia, cô ấy cho biết chưa bao giờ cảm thấy bị kỳ thị. Tôi có người bạn Việt chuyên dịch cho các vụ người Việt bị cảnh sát bắt vì trồng thuốc phiện hoặc tìm cách nhập cư trái phép nói với tôi một điều đáng suy ngẫm: ở đâu cũng có người này người khác, người ta có thể ghét, kỳ thị người đến xứ sở của họ làm điều xấu, chứ họ không vô cớ kỳ thị người nước ngoài biết tôn trọng văn hóa và pháp luật nước họ.

Nguồn: Viethome

 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: